Tamdoanh

09.8765.8887

Chọn hệ Chất lượng cao hay hệ đại trà

Các trường đại học công lập với một số ngành thường gồm hai hệ chính là hệ chất lượng cao (CLC) và hệ đại trà. Do tên gọi, chương trình đào tạo và học phí có sự khác nhau nên các bạn học sinh và gia đình cũng cần nắm rõ để có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp. Sau đây là một số phân tích giúp các sinh viên tương lai có thể hiểu được nguồn gốc, bản chất, sự khác biệt cũng như những bất cấp còn tồn tại của hệ đào tạo đang được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm này.

1. Lịch sử của hệ chất lượng cao

Đầu tiên phải khẳng định rằng chất lượng giáo dục đại học đến từ 04 yếu tố chính là tiêu chuẩn đầu vào của sinh viên, chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng giảng viên và cơ sở hạ tầng phục vụ việc nghiên cứu, thực hành.

Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, một số trường đại học uy tín đã nghiên cứu đưa ra một hệ đào tạo riêng có chất lượng cao hơn dựa vào việc kết hợp 04 nguồn lực kể trên. Khởi nguồn của hệ chất lượng cao đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) và Đại học Sư phạm Hà Nội. Ban đầu hệ này có tên gọi là hệ Cử nhân hay kỹ sư tài năng. Hệ này được tuyển sinh lần đầu vào năm 1997 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều kiện vào các hệ này là sinh viên có điểm thi đại học cao, đạt giải trong các kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc những người vượt qua kỳ thi sàng lọc vô cùng khắt khao. Các sinh viên học hệ này được giảng dạy bởi những giảng viên giỏi nhất, theo chương trình riêng, được ưu tiên sử dụng cơ sở hạ tầng của nhà trường và thường là được…. miễn học phí.

Tiếp đó, năm 2006, Bộ GD&ĐT có chủ chương cho 10 trường đại học thí điểm chương trình tiên tiến với mong muốn chuyển giao chương trình giảng dạy quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường đại học Việt Nam. Từ chủ chương này, các trường bắt đầu đưa ra các chương trình đào tạo chất lượng cao để đi vào tuyển sinh thí điểm. Đặc điểm của các lớp này vẫn xoay quanh 04 yếu tố liên quan tới chất lượng giáo dục đại học kể trên.

2. Những biến tướng sau ý định tốt đẹp ban đầu

Tại Đại học Luật TP. HCM, năm 2011, để vào được hệ CLC thì nhà trường sẽ chọn ra khoảng 45 bạn thông qua kiểm tra tiếng Anh, phỏng vấn, test kiến thức và IQ. Dù hệ này có học phí cao hơn hệ đại trà nhưng các sinh viên đều muốn học. Các sinh viên năm 2, nếu có kết quả học tập tốt, có thể phấn đấu thi vào lớp CLC một lần nữa. Ở chiều ngược lại, sinh viên không đạt kết quả học tập tốt sẽ bị loại khỏi lớp CLC. Tuy vậy dần dần, sinh viên nhận thấy họ đóng tiền nhiều hơn nhưng cũng không có sự khác biệt đáng kể về chất lượng giảng dạy nên sinh viên không còn quá mặn mà với hệ CLC nữa. Lúc ấy nhà trường không tổ chức thi tuyển và cho phép sinh viên lựa chọn giữa hai hệ này.

Tại rất nhiều trường đại học khác, điểm đầu vào của hệ CLC thường thấp hơn khá nhiều so với hệ đại trà. Số lượng chương trình CLC thậm chí còn nhiều hơn hẳn chương trình đại trà. Như vậy, rõ ràng khái niệm CLC đã không còn giữ được như mong muốn ban đầu. Từ một chương trình chọn ra các bạn sinh viên giỏi nhất và áp dụng chương trình tiên tiến thì cuối cùng hệ CLC lại được người ta nhớ đến vì đóng nhiều tiền hơn hệ đại trà mà thôi. Thay vì mong muốn “được học” hệ CLC, thí sinh giờ đây bước vào hệ CLC vì không đủ điểm vào hệ đại trà nên “phải học” hệ CLC.

Với một số ngành học mà yếu tố cơ sở vật chất không quá quan trọng (không cần phòng thí nghiệm, thực hành) thì các trường thường tăng số tiết môn tiếng Anh lên và nâng cao chuẩn đầu ra tiếng Anh thêm một chút. Tuy nhiên thực tế, việc học tiếng Anh được giảng dạy bởi các trường đại học thường không hiệu quả mà hoàn toàn phụ thuộc vào việc tự học của sinh viên hoặc sinh viên phải kiếm các trung tâm bên ngoài để đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ. Cũng có rất nhiều sinh viên học hết cấp 3 đã thành thạo ngoại ngữ nên việc bổ sung một vài tiết tiếng Anh hoặc nâng cao chuẩn đầu ra tiếng Anh cũng không có nhiều ý nghĩa với họ. Cho nên với những người có thể vào được các lớp CLC đúng nghĩa thì những gì chương trình này mang lại không đáp ứng được kỳ vọng của họ trong khi tiền lại phải chi trả nhiều hơn.

Dưới đây là sự khác biệt trong điểm đầu vào giữa hệ đại trà và hệ CLC tại Đại học Tài chính – Marketing (bên trái) và Đại học Kinh tế – Luật (bên phải).

3. Tiền cao, chất lượng chưa chắc cao

Dù hình thức có khác nhau như thế nào thì điều quan trọng nhất của hệ CLC cũng nằm ở một từ quan trọng nhất là “tiền”. Ở đây chúng ta hiểu, sinh viên phải trả nhiều tiền hơn để có cơ hội hội nhận được chất lượng dịch vụ tốt hơn so với phần còn lại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, sinh viên trả nhiều tiền hơn để giành được một chỗ trong trường đó dù điểm thấp hơn so với các bạn đậu cùng ngành. Để bù lại, nhà trường cho bạn thêm một chút cơ sở vật chất và một cái danh “chất lượng cao” trong tấm bằng mà bạn học. Trên thực tế, không có bất kỳ bằng chứng hay so sánh đáng tin cậy nào cho thấy sinh viên học hệ CLC có năng lực chuyên môn, trình độ hay khả năng kiếm tiền sau khi ra trường tốt hơn các bạn hệ đại trà. Tất nhiên, thị trường cũng chỉ đánh giá dựa trên năng lực của sinh viên mà không quan tâm tới hệ bạn học CLC hay hệ đại trà.

4. Nguồn gốc của những biến tướng trong hệ đào tạo chất lượng cao

Nguyên nhân sâu xa của việc ra đời hệ CLC là sự ra đời của cơ chế “tự chủ tài chính” của các trường đại học công lập. Các trường này, trước đó hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách nên học phí tương đối thấp vì được nhà nước bù lỗ. Tuy nhiên, khi chuyển sang cơ chế tự chủ, ngân sách không còn tài trợ, các trường phải tự chủ động nguồn thu chi nhưng nếu học phí tăng mạnh, họ lại sợ sinh viên không theo học vì thế họ nghĩ ra một hệ gọi là “chất lượng cao” để có cớ thu thêm học phí và có nguồn tiền để trang trải chi phí đào tạo và vận hành. Như vậy, các trường vẫn có một hệ mà học phí không bị tăng mạnh vì mang tiếng là “công lập” nhưng họ cũng có một hệ đào tạo thu nhiều tiền hơn, tương đương với các trường dân lập, đó chính là hệ CLC. Các trường sẽ chủ động điều tiết về nguồn lực, chương trình đào tạo để chuyển dần hệ đại trà sang hệ CLC nhằm gia tăng nguồn thu để đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng học.

Đó là lý do, hệ CLC gần như chỉ xuất phát từ các đại học công lập. Với các đại học dân lập, họ chỉ có một hệ chung, dành cho tất cả các sinh viên. Như đã nói ở trên, bản chất của hệ chất lượng cao cũng chỉ nằm ở một chữ là “tiền”. Với cơ chế tự chủ dành cho các trường đại học, nhà nước sẽ không can thiệp đầu vào hay đầu ra của các trường quá chặt. Sinh viên phải tự đánh giá về khả năng tài chính và lực học của mình để chọn trường đại học thích hợp. Đây là một khoản đầu tư đòi hỏi sinh viên và gia đình phải tính toán rất kỹ nhưng đa phần họ đều mù mờ, thiếu thông tin.

5. Những chuyện dở khóc dở cười ở hệ chất lượng cao

Ở hệ CLC, ngay cả những trường đại học hàng đầu có một số hiện tượng ”oái oăm” như sau khiến các bạn sinh viên phản ánh nhưng nhà trường chưa có cách nào giải quyết.

Giảng viên nói bằng tiếng Anh nhưng không ai hiểu

Điều này xuất phát từ việc đầu vào tiếng Anh của sinh viên chưa được tốt và đồng đều. Tuy nhiên, nguyên nhân chính cũng tới từ giảng viên khi tiếng Anh của họ chưa đạt. Ở một số môn như toán học hay các môn đại cương Mac – Lenin, giáo viên đa phần học trong nước nên nền tảng tiếng Anh không tốt và phát âm tiếng Anh không chuẩn dẫn tới giảng viên nói nhưng học trò không hiểu. Cuối cùng, từ tài liệu tiếng Anh, sinh viên lại phải dịch sang tiếng Việt hoặc kiếm tài liệu tiếng Việt để học cho hiểu bài. Thành ra, chính sách học bằng Tiếng Anh lại trở nên hình thức và cản trở chất lượng học tập đồng thời gây khó cho cả giảng viên lẫn sinh viên.

Học phí khác nhau nhưng học với cùng giáo viên và cơ sở vật chất

Với các môn như thể dục, đại cương, quân sự,… thì sử dụng chung giảng viên và cơ sở vật chất nhưng hệ CLC bị thu nhiều tiền hơn hệ đại trà khiến cho sinh viên lớp CLC thắc mắc. Trong một số trường hợp, sinh viên lớp CLC thi rớt môn và phải học lại nhưng không có lớp riêng dành cho hệ CLC, các sinh viên này phải đăng ký học ở lớp đại trà nhưng vẫn bị tính tiền nhiều hơn. Điều này khiến sinh viên hệ CLC bức xúc và cảm thấy không công bằng.

Chương trình tiên tiến nhưng giáo viên không tiên tiến

Với cơ chế tự chủ tài chính, các trường thường cố gắng tuyển được nhiều học sinh nhất có thể cho hệ CLC. Tuy nhiên việc gia tăng quy mô nhưng cơ sở hạ tầng của nhà trường và nhất là giáo viên vẫn vậy. Thực tế, khi áp dụng mức học phí cao hơn, nhà trường có điều kiện chi trả nhiều hơn cho giáo viên, tuy nhiên viên thu hút và giữ chân giảng viên giỏi ít được cải thiện vì các trường khác, nhất là các trường dân lập cũng liên tục cạnh tranh để giành lấy giáo viên giỏi. Vì thế, bản chất là giáo viên dù được trả nhiều tiền hơn nhưng vẫn là những giáo viên đó, chất lượng không được nâng cao lên nhiều.

Chất lượng cao và đại trà khác nhau cái… máy lạnh

Ở nhiều trường thuộc khối kinh tế và nhân văn, việc giảng dạy thường không phải sử dụng cơ sở vật chất gì đáng kể mà chủ yếu học lý thuyết thì ngoài chương trình có thêm một số tiết giảng dạy bằng ngoại ngữ vốn không có nhiều ý nghĩa thì nhà trường phải nghĩ ra một cái gì đó để sinh viên hệ này cảm thấy tiền học phí họ đóng cao hơn thì sẽ nhận được một điều gì đó cao cấp hơn. Vậy là các trường cho hệ CLC học trong phòng có máy lạnh, còn hệ đại trà học trong phòng có quạt.

Thay cho lời kết

Bản chất của hệ chất lương cao chính hệ dân lập trong trường công lập xuất phát từ cơ chế tự chủ tài chính mà các trường đang áp dụng. Sinh viên cần phải xem xét thật kỹ các yếu tố từ yêu cầu thi tuyển đầu vào, sự khác biệt trong chương trình đào tạo và mức học trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cho riêng mình.

Sinh viên không nên chạy theo cái danh chất lượng cao nhưng nếu xét thấy hệ chất lượng cao của trường đại học nào thực sự có sự nghiêm túc trong việc lựa chọn nguồn đầu vào và xác định chất lượng đầu ra rõ ràng thì có thể đăng ký theo học. Tất nhiên sinh viên cũng cần xem xét điều kiện kinh tế của gia đình bởi học phí của những hệ này khá cao, thường là gấp đôi hệ đại trà.

Với sinh viên không có kết quả thi tuyển vào được hệ đại trà nhưng điểm hệ chất lượng cao thấp hơn thì cũng là một cơ hội cho sinh viên theo học. Hãy coi mức học phí cao hơn là chi phí mua cơ hội được học tại các trường đại học đó. Dù sao khi bạn trả tiền nhiều hơn, bạn không chỉ có cơ hội theo học tại ngôi trường bạn mơ ước mà còn được tận dụng một chút ưu tiên về cơ sở hạ tầng và chương trình đào tạo. Với mặt bằng hiện nay của nước ta thì chất lượng của các trường công top đầu vẫn đang cao hơn các trường tư do họ tuyển đầu vào tốt hơn và có truyền thống đào tạo lâu năm hơn so với đa phần các trường dân lập.

One comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *