Tamdoanh

09.8765.8887

Nên bắt đầu sự nghiệp tại doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ?

Để bắt đầu con đường nghề nghiệp của mình các bạn trẻ có thể lựa chọn giữa việc chuẩn bị thật kỹ càng để xin việc ở một doanh nghiệp lớn hoặc đơn nộp hồ sơ vào một doanh nghiệp nhỏ với yêu cầu đào vào thấp hơn nhiều. Với kinh nghiệm đã từng làm việc ở các doanh nghiệp lớn rồi sau đó tham gia vào việc xây dựng, cải tổ nhiều doanh nghiệp SME, tác giả sẽ phân tích những ưu điểm và hạn chế của hai lựa chọn này.

1. Làm việc tại các doanh nghiệp lớn

a. Ưu điểm khi làm việc tại doanh nghiệp lớn

Ở các doanh nghiệp lớn, hầu như mọi thứ đã đi vào quy trình chuẩn hóa. Mỗi người thường chỉ làm một việc và được sự hỗ trợ của nhiều bộ phận phòng ban khác nhau. Vì thế một nhân viên mới sẽ dễ hòa nhập hơn.

– Các doanh nghiệp lớn có mặt bằng nhân sự cao, vì thế làm làm việc cùng các cấp quản lý của họ cũng giúp cho nhân viên nhanh chóng gia tăng được kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. 

– Ở các DN lớn có nhiều phòng ban và mảng khác nhau để nhân viên lựa chọn và thử sức.

– Mặt bằng thu nhập của các doanh nghiệp lớn tương đối cao và ổn định cùng với chế độ phúc lợi rất tốt (bảo hiểm sức khỏe, du lịch, lương tháng 13, thưởng năng suất,….).

Yêu cầu đầu vào thường cao và khó đối với phần đông ứng viên.

b. Hạn chế khi làm việc ở các doanh nghiệp lớn

Làm việc ở các doanh nghiệp lớn có sự cạnh tranh và sức ép rất lớn. Bạn có thể dễ dàng bị thay thế nếu như không đáp ứng được chuyên môn hoặc đơn giản chỉ là bạn không đủ tốt so với các đồng nghiệp khác trong cùng doanh nghiệp.

– Kể cả khi bạn tương đối thành công thì việc ở quá lâu trong một doanh nghiệp lớn cũng sẽ khiến cho bạn có sức ý, ngại thay đổi công việc và đổi mới bản thân. Những năm đầu nhân viên sẽ tiến bộ rất nhanh nhưng sau đó sự nghiệp có thể bị khựng lại và có thể bị đào thải bất cứ lúc nào.

– Ở trong một doanh nghiệp lớn, dù bạn là ai thì cũng chỉ là một mắt xích trong một dây truyền lớn. Đôi khi ở trong môi trường như vậy, với sự hỗ trợ từ tác phòng ban và cá nhân khác khiến cho khả năng hoạt động độc lập của bạn gặp khó khăn. Thường những người này đi ra ngoài làm ở các doanh nghiệp nhỏ hay khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn do họ thiếu linh hoạt. Họ thường yêu cầu mọi thứ hoàn hảo, đầy đủ thì mới tiến hành công việc được. Họ thường bị gò bó bởi các quy tắc cứng nhắc và thói quen cũ ở doanh nghiệp lớn nên khi tới doanh nghiệp nhỏ hoặc khi khởi nghiệp, các điều kiện vốn thua kém nên họ thường đánh giá là không chuyên nghiệp và không thích nghi được.

Tôi đã quen một số người làm trong doanh nghiệp lớn quá lâu sau đó ra các doanh nghiệp nhỏ làm và đổi qua một loạt các doanh nghiệp nhỏ. Sau một thời gian họ không quay trở lại được doanh nghiệp lớn nữa do lạc hậu về trình độ nhưng cũng không thể phát triển ở các doanh nghiệp nhỏ khiến cho công việc bấp bênh. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở những người làm trong ngành sales.

2. Làm việc tại doanh nghiệp nhỏ

a. Lơi thế khi làm việc ở doanh nghiệp nhỏ

– Đầu tiên phải nhân thấy rằng xin việc ở các doanh nghiệp nhỏ tương đối dễ vì họ không có lợi thế trong tuyển dụng nên thường không yêu cầu cao về mặt trình độ và kinh nghiệm.

– Điều tiếp theo liên quan đến áp lực công việc. Khi làm ở các doanh nghiệp nhỏ thì công việc đều đều và ít phải chịu áp lực hơn so với ở các doanh nghiệp lớn.

– Ở các doanh nghiệp loại này, ông chủ doanh nghiệp thường ở rất gần nhân viên. Nếu một nhân viên có tài năng và khả năng thích nghi cao sẽ dễ dàng được chủ doanh nghiệp phát hiện. Khi được sự ủng hộ của ông chủ, nhân viên đó sẽ có rất nhiều cơ hội được giao các trọng trách lớn. Khi làm việc trực tiếp với ông chủ, những người thường rất thực chiến cũng là một cơ hội học hỏi tuyệt vời. Một số người biết tận dụng họ phát triển rất nhanh và đạt được nhiều thành công hơn cả làm ở các doanh nghiệp lớn.

b. Nhược điểm khi làm ở các doanh nghiệp nhỏ

– Người quản lý trực tiếp thường không có chuyên môn bài bản nên thường chỉ cho nhân viên cấp dưới dưới dạng kinh nghiệm. Vì họ không có chuyên môn nên khi giao việc và đánh giá, họ sẽ thực hiện theo cảm tính thay vì các tiêu chí cụ thể, minh bạch và rõ ràng.

– Công ty không có hệ thống đào tạo nội bộ nên nhân viên vào làm thường không được đào tạo và rất ít tiến bộ trong công việc.

– Do công ty cũng chưa xây dựng được văn hóa doanh nghiệp rõ ràng và tích cực nên người mới vào rất khó hòa nhập với môi trường của công ty. Họ thường chỉ làm việc trong một thời gian ngắn rồi chuyên đi do cảm thấy khó thích nghi và cơ hội nghề nghiệp không rõ ràng.

– Mức thu nhập của các doanh nghiệp nhỏ thường không cạnh tranh. Các chế độ phúc lợi chỉ ở mức cơ bản và không có các phúc lợi gia tăng như ở các doanh nghiệp lớn. Ở một số doanh nghiệp, thậm chí người lao động thường chỉ được đóng bảo hiểm với một tỷ lệ thấp hơn hẳn con số quy định của nhà nước.

3. Những công việc mà bạn nên làm ở doanh nghiệp lớn

Đây là những công việc mà có sự khác biệt rất lớn giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ về mặt trình độ cũng như cơ hội học hỏi và phát triển. Trong khi bạn có nhiều cơ hội học hỏi, gia tăng thu nhập và phát huy tài năng ở các công ty lớn thì ở các doanh nghiệp nhỏ, các cơ hội như vậy gần như bị đóng lại ngay từ khi bạn đặt chân vào doanh nghiệp nhỏ.

Kế toán – tài chính

– Thường ở doanh nghiệp nhỏ họ không có sổ sách kế toán rõ ràng nên rất khó để làm và rủi ro cho nhân viên kế toán do các công ty thường không tuân thủ các quy định về thuế.

– Nghiệp vụ kế toán ở các doanh nghiệp nhỏ rất đơn giản và nhân viên thường phải làm các công việc lặt vặt không liên quan nên chuyên môn nghiệp vụ ít được gia tăng. Ở đa phần các doanh nghiệp này, họ không có kế toán trưởng giỏi nên nhân viên cấp dưới không những không học được điều gì về chuyên môn kế toán mà còn bị truyền đạt những kinh nghiệm sai, lệch lạc.

– Mức lương cho vị trí kế toán ở các doanh nghiệp nhỏ thường thấp do họ không coi trọng hệ thống kế toán.

Nhân sự

Công việc liên quan tới hành chính – nhân sự của các doanh nghiệp nhỏ thường chỉ là chấm công, tính lương, bảo hiểm và thi thoảng đăng tuyển dụng. Họ gần như không có bộ phận đào tạo, phát triển tổ chức. Công ty cũng không có các chính sách đánh giá nhân sự bài bản, các chương trình gắn kết nhân viên và các nghiệp vụ nhân sự quan trọng khác. 

Vì mặt bằng nhân sự thấp nên nhiều nhân sự chỉ làm suốt ngày lo việc xử lý mấy chuyện như đánh nhau, kỷ luật, trộm cắp thay vì làm các chuyên môn của một người làm công tác nhân sự thực tế.

Sản xuất

Doanh nghiệp sản xuất nhỏ thường không có quy trình rõ ràng, tổ chức sơ sài thiếu rất nhiều khâu liên quan đến giám sát quy trình và kiểm đinh chất lượng sản phẩm. 

Nhân viên sản xuất ở các doanh nghiệp nhỏ thường không nắm được các kỹ năng liên quan tới điều độ sản xuất, quản lý kế hoạch sản xuất. Họ cũng không được sử dụng các phần mềm, công cụ thống kê hiện đại cho sản xuất nên khi sang doanh nghiệp lớn hơn những người này thường gặp khó khăn và rất khó thích nghi.

Các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp nên chọn một doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, bài bản để làm việc nhằm được tiếp cận với quy trình, phương thức tổ chức sản xuất và kiểm soát chất lượng. Những điều kể trên chính là nền móng quan trọng để tiếp tục phát triển trong lĩnh vực sản xuất vốn đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong một thời gian dài.

Marketing

Các doanh nghiệp nhỏ thường không chú trọng xây dựng thương hiệu nên công việc marketing cũng không đáng kể. Họ cũng có ngân sách rất nhỏ cho các công tác quảng cáo và truyền thông. Nhậm chí ngoài một số vị trí như chạy quảng cáo, viết content ra, bộ phận marketing rất sơ sài và không có nhiều đất diễn cũng như cơ hội học hỏi cho nhân viên. Các dự án của họ cũng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó sẽ cắt bộ phận này. Vì thế, đây là công việc không nên làm ở doanh nghiệp nhỏ trừ agency chuyên cung cấp dịch vụ marketing cho khách hàng.

Tóm lại, doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ cũng đều có ưu điểm riêng cho phát triển sự nghiệp của bạn trừ một số công việc mà bạn nên bắt đầu ở các doanh nghiệp lớn thì sẽ có lợi hơn cho việc phát triển nghề nghiệp và thu nhập của mình. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng nên bắt đầu công việc ở các doanh nghiệp lớn để trải nghiệm và học hỏi cũng như phát triển những chuyên môn và mối quan hệ cần thiết cho nghề nghiệp của bạn. Sau một thời gian, bạn có thể chuyển sang các doanh nghiệp nhỏ hơn để làm. Với cách này, bạn vẫn có thể tìm kiếm được mức đãi ngộ tốt nhưng sẽ có nhiều đất diễn và có cơ hội để hoàn thiện những kỹ năng mà khi làm ở doanh nghiệp lớn bạn chưa có cơ hội phát triển chúng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *