Tamdoanh

09.8765.8887

Sinh viên đại học thất nghiệp – nguyên nhân và cách khắc phục

Theo nghiên cứu của một chuyên gia thuộc Bộ GD&DT thì tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên hệ ĐH&CĐ ở nước ta lên tới 30.8%. Một số lãnh đạo của Bộ không thừa nhận điều này nhưng nếu phân tích và quan sát kỹ thì con số này có thể cũng không chênh lệch là bao so với thực tế. Chúng ta hãy cùng nhau đi phân tích về thực trạng, nguyên nhân và cách tìm ra phương pháp để sinh viên có thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp sau khi đã chi hàng trăm triệu đồng cho việc học đại học vốn đang ngày càng đắt đỏ.

Thất nghiệp nhìn từ vĩ mô

Việt Nam hiện có dân số 100 triệu nhưng GDP chỉ khoảng 409 tỷ USD (số liệu 2022). Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ bằng 1/10 so với một quốc gia phát triển hay nói theo cách khác, với quy mô dân số như vậy, lẽ ra nền kinh tế của chúng ta phải gấp 10 lần hiện nay. Diện tích đất đai nhỏ hẹp, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng dân số lại quá đông dẫn tới vấn đề dư thừa lao động chắc chắn sẽ xảy ra. Trong bối cảnh dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế, tình trạng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đình đốn và suy giảm thì tình trạng thất nghiệp lại càng gia tăng. Đây là những điều hiển nhiên với một nền kinh tế giá trị thấp và không hiệu quả.

Hàng năm, nước ta có khoảng 1.000.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 500.000 – 600.000 học sinh trong số đó sẽ ra nhập các trường đại học và cao đẳng. Như vậy, số người có trình độ cao đẳng và đại học ở nước ta là rất lớn và ngày càng gia tăng. Số lượng này vượt quá nhu cầu việc làm trong nước nên việc thất nghiệp ngày một tăng trong giới lao động có trình độ cao đằng, đại học cũng là điều tất yếu.

Ở một góc nhìn khác, chúng ta có vẻ vẫn đang thu hút khá tốt các khoản đầu tư FDI. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam chủ yếu để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ chứ không phải là lao động trình độ cao. Vì thế nhân sự trình độ đại học và cao đằng của Việt Nam sẽ dư thừa. Điều này cũng dễ hiểu, một xã hội mà cứ xét 10 người thì có tới 6 – 7 người muốn làm thầy trong khi chỉ 3 – 4 người muốn làm thợ thì tất nhiên những người mong muốn làm thầy này phải canh tranh với nhau vô cùng khốc liệt và không ít người trong số đó sẽ không thể nào giành được công việc như ý. Lúc đó, chỉ có những nhân sự chất lượng cao có thể tiếp tục theo ngành, số còn lại bắt buộc phải chuyển qua làm những công việc không cần đào tạo, làm trái ngành hoặc tìm thị trường lao động khác. Tất nhiên một tỷ lệ khá cao trong đó sẽ rơi vào nhóm thất nghiệp.

Lý do cụ thể dẫn tới thất nghiệp

Sinh viên trải qua đào tạo nhưng thất nghiệp vì các lý do chính sau đây:

Hậu quả của phương pháp học máy móc ở bậc THPT

Chất lượng đại học phụ thuộc vào sinh viên, không phụ thuộc vào nhà trường bởi phương pháp học tập ở bậc đại học và cao đẳng là tự học, tự nghiên cứu.  Tuy nhiên do đa phần sinh viên Việt Nam không quen với cách học phải tư duy mà chủ yếu là học thuộc và máy móc đã hình thành và ăn sâu ở các cấp học trước đó nên việc tự học, tự nghiên cứu với họ là tương đối khó khăn với họ. Vì thế đa phần sinh viên và cả các trường ĐH/CĐ vẫn quen với cách đào tạo cũ, không tạo ra được lớp sinh viên có tư duy tốt và khả năng tự học hiệu quả – Điều mà xã hội cần khi những sinh viên tham gia thị trường lao động vốn đòi hỏi hiệu quả hơn là hình thức.

Đào tạo sơ sài, ít tính thực tiễn

Đào tạo cao đẳng, đại học ở nước ta là đào tạo “chay”, ít có tính vận dụng thực tiễn. Thông thường, ở mỗi môn học, sinh viên sẽ được giảng về lý thuyết, sau đó sẽ làm các bài thi cũng chủ yếu hỏi về lý thuyết và giải một số bài tập. Các đề thi cũng tương đối dễ dàng, chỉ cần nắm được lý thuyết là có thể thi đậu. Một số trường có một số chương trình thực hành nhưng mang nặng tính hình thức, phong trào, không có giá trị thực tiễn. Theo thang Bloom về việc học thì đây mới chỉ ở các cấp độ học đầu tiên là Ghi nhớ, Hiểu hoặc cùng lắm là có một phần ở cấp độ Vận dụng đơn giản. Các cấp độ còn lại của việc học là Phân tích, Đánh giá và Sáng tạo hầu như sinh viên không đạt tới được. Vì thế chất lượng đào tạo ở vẫn ở mức thấp, sinh viên ra trường nắm và vận dụng được các kiến thức và kỹ năng trong thực tế.

Sự bị động của sinh viên

Một điều rõ ràng là sinh viên không phải không biết hoặc không thể tìm hiểu được các yêu cầu của thị trường với họ khi tốt nghiệp nhưng chỉ có một lượng nhỏ sinh viên quan tâm tới điều này. Đa phần sinh viên không quan tâm tới yêu cầu của các nhà tuyển dụng và chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu đó dẫn đến dù tốt nghiệp nhưng sinh viên không đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng đặt ra.

Sinh viên ít khi tự mình tìm tòi, nghiên cứu thêm kiến thức nên thường không hiểu hết được những gì được dạy tại trường. Thậm chí có hiểu hết thì cũng không mở rộng nghiên cứu thêm và không có bước gắn với thực tiễn để đánh giá, kiểm nghiệm lại các lý thuyết đã học. Khi tốt nghiệp, họ cũng không chủ động đánh giá được xu hướng để thay đổi của ngành nghề và thị trường, thích nghi cho phù hợp với biến động của xã hội.

Giải pháp để sinh viên ra trường không thất nghiệp

Theo tôi, để giải quyết tình trạng này thì học sinh, sinh viên chỉ cần biết trả lời những câu hỏi sau đây?
“Bạn là ai?”, “Bạn cần/muốn đi về đâu?” và “Bạn đang ở đâu?”

Bạn là ai?

Việc đầu tiên một sinh viên phải làm là hiểu rõ về chính mình trong đó các đặc biệt là sinh viên đó phải biết mình thuộc nhóm tính cách nào, đặc điểm của nhóm tính cách đó, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Khi hiểu rõ về tính cách thì bạn có thể biết được những ngành nghề phù hợp, phương pháp học tập hiệu quả, nguồn gốc của các vấn đề phát sinh trong cuộc sống và hướng giải quyết,…. Tin tôi đi, một bài kiểm tra IQ và bài về nhóm tính cách ví dụ như bài test MBTI chuyên sâu sẽ giúp bạn thực sự hiểu được rất nhiều về bản thân mình. Khi bạn biết mình là ai bạn sẽ chọn được con đường dành riêng phù hợp và biết cách tạo được lợi thế trên con đường ấy.

Bạn cần/muốn đi về đâu?

Khi làm bất cứ việc gì, bạn cũng nên dành thời gian để xác định xem “output” là cái gì? Chỉ khi nắm được yêu cầu đầu ra thì bạn mới có thể xác lập được mục tiêu để mà phấn đấu và điều chỉnh các hành động và nguồn lực của mình tập trung vào mục tiêu đó.

Ví dụ: Một sinh viên đại học cần xác định được yêu cầu của doanh nghiệp mục tiêu mà mình định xin việc, từ các yêu cầu của doanh nghiệp thì sinh viên hiểu được phải chuẩn bị thế nào về điểm số, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm,… Từ đó lại chia nhỏ mục tiêu và yêu cầu ra để thực hiện và cuối cùng là đạt được tất cả các yêu cầu đó.

Bạn đang ở đâu?

Sinh viên luôn cần biết mình đang ở vị trí nào trên con đường mình đang đi. Muốn như vậy họ phải luôn theo rõi và đánh giá được sự tiến bộ và tính khả thi của các kế hoạch để điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu. Để biết mình đang ở đâu, sinh viên nên thường xuyên tham gia các bài kiểm tra, đánh giá về ngoại ngữ, tham gia các hoạt động xã hội hoặc công việc để đánh giá được kỹ năng mềm, so sánh điểm số của mình với yêu cầu bằng cấp của các nhà tuyển dụng uy tín, giao lưu với sinh viên từ các trường khác và những người đi trước để biết được kỹ năng và trình độ của mình đang ở đâu so với họ và từ đó điều chỉnh mục tiêu cũng như kế hoạch phấn đấu.

Thực tế, sinh viên thất nghiệp đa phần không phải do nhà trường mà là do chính sinh viên đó không chuẩn bị được những yêu cầu mà thị trường lao động cần nên không xác định được chính xác nhu cầu học tập và đánh giá mức độ đáp ứng của mình với các yêu cầu của thị trường. Nếu họ thất nghiệp, có nghĩa là họ không đáp ứng được yêu cầu nào cả.

Các sinh viên không có khả năng tư duy tốt luôn cần một người “coach” hay một cố vấn có kinh nghiệm để giúp họ đánh giá về bản thân, xác định mục tiêu và chỉ cho họ các phương thức học tập hiệu quả để đạt được những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho thị trường việc làm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *